KHÁI QUÁT QUAN HỆ  VIỆT NAM – SRI LANKA

​Việt Nam và Sri Lanka có nhiều điểm tương đồng. Cả hai nước đều nằm trên những con đường biển huyết mạch: Việt Nam nằm ở trung tâm Đông Nam Á, Sri Lanka nằm ở trung tâm Ấn Độ Dương. Hơn nữa, hai nước đều nằm ở khu vực nhiệt đới, gió mùa, cùng coi trọng phát triển nông nghiệp; cùng có tôn giáo chính là Phật giáo.

Hai nước đều đã từng là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, Sri Lanka phải chịu gần 400 năm dưới ách thuộc địa của 3 đế quốc Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh; Việt Nam gần 100 năm dưới ách thuộc địa của thực dân Pháp. Vì vậy, nhân dân hai nước đồng cảm và ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do. Sử sách đã ghi ít nhất 3 lần, Lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã tới Sri Lanka: lần đầu tiên vào ngày 14/6/1911, lần thứ hai năm 1928 và lần cuối cùng vào tháng 10/1946. Trong những năm 1960, rất nhiều thanh niên, sinh viên Sri Lanka đã xuống đường tham gia tuần hành phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Hai nước có mối liên hệ với nhau từ lâu đời nhưng quan hệ chính thức bắt đầu từ tháng 7/1964 khi hai nước thiết lập quan hệ lãnh sự. Đến 21/7/1970, hai nước nâng quan hệ lên cấp Đại sứ. Việt Nam mở cơ quan đại diện thường trú tại Colombo năm 1971. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, quan hệ giữa Việt Nam với Sri Lanka có bước phát triển mới với chuyến thăm Sri Lanka năm 1976 của Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ CMLT CHMNVN Nguyễn Thị Bình và chuyến thăm Sri Lanka năm 1978 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cùng với việc ký kết các hiệp định về thương mại, văn hóa và bưu điện.

Tuy nhiên, trong những năm 1980, cả hai nước đều gặp nhiều khó khăn. Việt Nam buộc phải thu gọn các cơ quan đại diện của mình trên thế giới, trong đó có Đại sứ quán Việt Nam tại Colombo. Do các điều kiện khách quan, cho đến cuối những năm 1990 quan hệ hai nước vẫn phát triển khá khiêm tốn.

Đầu những năm 2000, Việt Nam đẩy mạnh tiến trình đổi mới và mở cửa, trong khi Sri Lanka cũng cần sự ủng hộ quốc tế để giải quyết dứt điểm cuộc nội chiến trong nước. Hai bên tăng cường trao đổi các chuyến viếng thăm, dẫn tới việc mở lại Đại sứ quán Sri Lanka tại Việt Nam tháng 01/2003 và thành lập cơ chế Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác giữa hai nước vào tháng 10/2003. Kể từ sau đó, quan hệ hai nước đã từng bước phát triển với việc tăng cường các chuyến thăm lẫn nhau. Về phía Sri Lanka, Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, các Bộ trưởng Ngoại giao, Nông nghiệp, Công thương Sri Lanka đã thăm Việt Nam. Về phía Việt Nam , các Bộ trưởng Ngoại giao, Thuỷ sản, Nông nghiệp đã thăm Sri Lanka. Hai bên cũng đã đạt được các thỏa thuận về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, về tránh đánh thuế hai lần, về hợp tác du lịch, nông nghiệp và thủy sản. Quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng có những bước phát triển. Kim ngạch thương tăng đều từ 30,1 triệu USD năm 2000 lên 50,6 triệu USD năm 2009. Sri Lanka cũng có một số dự án đầu tư nhỏ tại Việt Nam. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác giữa hai nước nhìn chung vẫn còn hạn chế chủ yếu do Sri Lanka vẫn còn vướng vào tình trạng nội chiến.

Kể từ khi cuộc chiến tại Sri Lanka kết thúc, quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh mẽ. Ngày 19/5/2009, Tổng thống Sri Lanka đã chọn Việt Nam là một trong những nước đầu tiên gọi điện thông báo thắng lợi của Chính phủ Sri Lanka đối với lực lượng LTTE. Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa thăm chính thức Việt Nam từ 22-24/10/2009, nhân dịp này hai bên ký kết các thỏa thuận về bảo hộ đầu tư, phòng chống tội phạm, hợp tác văn hóa, kế hoạch hành động về nông nghiệp và thủy sản. Việt Nam mở lại Đại sứ quán tại Sri Lanka từ tháng 4/2011. Chủ tịch nước Việt Nam thăm Sri Lanka từ 13-15/10/2011, nhân dịp này hai bên ký 08 thỏa thuận về hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, đầu tư, tài chính, cơ khí chế tạo, dầu khí và giáo dục. Ngoài ra, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka đã thăm Việt Nam. Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã thăm Sri Lanka, đều trong năm 2013. Gần đây nhất, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thăm Sri Lanka tháng 2/2024, ký Bản Ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên tiếp xúc bên lề các hội nghị đa phương.

Hai bên duy trì khá đều đặn các cơ chế hợp tác song phương, gồm Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao, Tiểu ban hỗn hợp Thương mại cấp Thứ trưởng Công Thương. Quan hệ kinh tế giữa hai nước có những bước phát triển tích cực. Kim ngạch thương tăng đều, đạt trung bình 300 triệu USD/năm. Sri Lanka hiện có khoảng 30 dự án tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư hơn 42 triệu USD; Việt Nam có 01 dự án đầu tư tại Sri Lanka trị giá khoảng 300.000 USD. Quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng và cơ hội trong bối cảnh hai nước đang phục hồi sau đại dịch Covid-19 và Sri Lanka đang nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế.

Hai nước sẽ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025 (1970-2025).


  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​